Hình ảnh người thầy mẫu mực

Thứ hai, 01 Tháng 3 2010 09:57
In

giao-su-bui-dinh-suMột số hiện tượng như cô mẫu giáo đánh đập học trò nhỏ tàn bạo, có thầy hiệu trưởng lừa bán trinh học trò, rồi có thầy cao đẳng đổi tình lấy điểm, chuyện trò trả thù thầy(cô), xúc phạm thầy cô; chuyện thầy, cô giáo nói xấu đồng nghiệp nhằm tự đề cao mình... được báo chí phản ánh gần đây không chỉ làm cho dư luận bất bình phẫn nộ, mà còn làm cho những người làm giáo dục, những thầy giáo, cô giáo cảm thấy đau xót vì hình ảnh người thầy bị hoen ố.

 Người thầy giáo xưa nay được hưởng tình cảm “tôn sư trọng đạo” là do trách nhiệm xã hội giao cho họ. Họ có trách nhiệm dạy dỗ con em, quản lí, truyền thụ kiến thức, đánh giá học sinh, cho điểm, phê học bạ, nhận xét về hạnh kiểm, những công việc nghiêm túc, thiêng liêng, có ảnh hưởng đến tương lai của người học và cả thế hệ trẻ. Trách nhiệm ấy chẳng những đòi hỏi người thầy phải có trình độ học vấn đáng tin cậy mà còn phải thường xuyên học tập và tu dưỡng đạo đức, trau giồi thái độ ứng xử đúng mực mới có thể hoàn thành được. Đặc biệt, đối với học sinh, những người còn nhỏ dại, chưa trưởng thành, chưa có năng lực tự vệ, thầy, cô giáo phải là người biết chăm chút với lòng thương yêu, khoan dung, đùm bọc, tạo mọi điều kiện để chúng học tập, tu dưỡng tốt, trở thành những công dân tương lai. Đáng tiếc là trách nhiệm ấy đối với một số người lại mặc nhiên bị chuyển hoá thành một thứ “quyền lực” khiến cho họ được “cao cao tại thượng”, có “quyền sinh quyền sát” đối với các sinh linh nhỏ bé, còn học trò chỉ biết vâng dạ để mong được kết quả tốt đẹp.

Trong mô hình dạy học lấy thầy giáo làm trung tâm, người thầy là kẻ độc tôn tri thức, là người đại diện cho văn hoá, truyền bá văn hoá, lễ nghĩa, học trò chỉ được quyền nghe chứ không dám thắc mắc, thảo luận, hỏi lại, vì như thế là hoài nghi trình độ học vấn của thầy, có thể chuốc lấy bất lợi. Người thầy trở thành niềm sợ hãi đối với học trò. Dần dần chỉ có truyền thụ một chiều, thụ động, không có giao lưu, đối thoại, quan hệ thầy trò mất dân chủ, thiếu khả năng đào tạo một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo.

Do dựa vào quyền lực không ít thầy, cô nảy sinh những tính xấu, họ không có sự tu dưỡng chuyên môn và đạo đức tương xứng. Cũng do độc tôn cái “đạo” của mình có thầy, cô giáo nói xấu, khích bác đồng nghiệp sau lưng. Cái gọi là “tôn sư trọng đạo” trong thực tế vừa có phần tích cực lại vừa có phần tiêu cực, nó đánh mất vai trò chủ động của chủ thể học trò và nhiều khi làm cho người thầy ngộ nhận về bản thân. Quan hệ thầy trò kiểu đó là sản phẩm của tư tưởng giáo dục cũ, đã tỏ ra lỗi thời.

Ngày nay, với phương tiện truyền thông đa dạng, đặc biệt là internet, ông thầy không còn là người độc quyền tri thức như trước; mặt khác tư tưởng giáo dục đã thay đổi, học trò không phải là cái bình chứa để cho thầy, cô rót kiến thức vào, mà là những chủ thể tự kiến tạo tri thức cho mình dưới sự hướng dẫn của thầy, cô. Vai trò người thầy trong nhà trường mới đã thay đổi. Quan hệ thầy trò bây giờ chủ yếu là quan hệ hướng dẫn, hợp tác, đối thoại, giúp học trò hình thành tri thức và nhân cách. Nó đòi hỏi ở người thầy nhiều hơn, cao hơn về kiến thức cũng như đức độ. Phương tiện truyền thông, internet hiện đại cũng mở ra nhiều khả năng hơn bao giờ hết cho việc tự học, trau giồi, hoàn thiện kiến thức của thầy. Nhưng đáng tiếc là sự nghiệp đào tạo giáo viên lượng chưa đi đôi với chất, nhiều thầy, cô chưa đáp ứng được yêu cầu cao đó, làm cho học sinh giảm sút tình cảm “tôn sư trọng đạo”.

Nhiều người có dịp ra nước ngoài, thấy cách xưng “em”, “con” của học sinh ta đối với thầy mất bình đẳng quá, muốn bỏ hẳn đi để xưng “tôi” như mấy nước đó. Nhưng thiết nghĩ vấn đề chủ yếu không nằm ở cách xưng hô, mà ở mô hình giáo dục cũ. Cách xưng hô nằm trong hệ thống “xưng khiêm hô tôn” của văn hoá dân tộc. Vấn đề là mau chóng thay đổi thực sự mô hình giáo dục cũ để nâng cao vị thế chủ động, sáng tạo của học sinh.

Trong mấy chục năm gần đây, khi cơ chế kinh tế thị trường được xác lập trong xã hội, nhà trường cũng trở thành một không gian thương mại. Các trường luyện thi mọc lên như nấm, trường dân lập với cơ chế kinh doanh mở ra rầm rộ, quan hệ mua bán kiến thức, bằng cấp dưới nhiều hình thức lan tràn, mức độ đóng góp dưới nhiều danh nghĩa của phụ huynh, học sinh ngày càng gia tăng, rồi chính ngành giáo dục cũng chủ động quy định gia tăng học phí hàng năm, mối quan hệ thầy trò dần dần ít nhiều có biến chất. Nhiều nơi nhà trường thành cái chợ mua bán kiến thức, tình cảm “phong bì” hầu như trở thành quan hệ phổ biến từ trên xuống dưới. Địa vị người thầy trở thành nhếch nhác.

Trong kinh tế thị trường nghề nào nuôi sống được người, nghề ấy mới được kính trọng và được yêu chuộng, ngưỡng mộ. Giáo dục là một nghề, nghề thầy giáo phải đủ sống, được kính trọng trong xã hội thì mới mong người thầy yêu nghề. Một người đã phải tìm thêm việc khác để tự cải thiện đời sống của gia đình thì liệu họ có yêu nghề và làm tròn chức phận mà xã hội giao phó? Khi người ta đã yêu nghề thì người ta nhất định yêu đối tượng giáo dục của họ, yêu công việc của họ, thiết tha đổi mới nó cho có hiệu quả xứng đáng với địa vị người ta có được, vì không muốn đánh mất nó. Lời của Các Mác nói người ta phải có cơm ăn, nhà ở, đảm bảo điều kiện tái sản xuất chính mình rồi mới làm các hoạt động tư tưởng, học thuật vẫn đáng cho chúng ta, những người duy vật suy nghĩ. “Không phải ý thức quyết định đời sống, mà chính đời sống quyết định ý thức”.

Nghề thầy giáo là một nghề đặc biệt, nghề dạy người, dạy làm người. Nghề này đòi hỏi người thầy, cô phải luôn luôn gương mẫu để làm gương cho học sinh. Gương mẫu trong dạy học, trong giờ giấc, trong ăn mặc, nói năng, cư xử. Nghề thầy không phải nghề kinh doanh làm giàu. Xưa nay không ai giàu có vì làm thầy. Dù có khó khăn người thầy bao giờ cũng giữ vững đức độ. Hạnh phúc của người thầy là được học sinh yêu mến, tin cậy, coi là chỗ dựa tinh thần của các em trong bước trưởng thành.

Xây dựng hình ảnh mẫu mực là đòi hỏi của nghề thầy và của mỗi người thầy. Để hình ảnh người thầy được tốt đẹp, người thầy còn phải thường xuyên giao tiếp với trò, gương mẫu tiếp thu những nhận xét của trò. Đã có một thời trong nhà trường chúng ta thực hiện việc học sinh đánh giá thầy cô hàng năm. Học sinh đánh giá thầy, cô X dạy hay, dễ hiểu, thầy, cô Y dạy khó tiếp thu; thầy, cô Z uống bia, rượu trong giờ lên lớp, thầy, cô N hay nói tục, mắng mỏ... Cách làm đó thực sự có tác dụng giúp thầy cô tự đánh giá, điều chỉnh tư cách và phương pháp dạy học. Gần đây hình thức đó không được tiếp tục và không vận dụng trong mọi nhà trường. Cùng với việc thực thi đổi mới quan niệm và phương pháp dạy học, tôi cho rằng chủ trương học sinh, sinh viên đánh giá thầy, cô là một chủ trương có thể giúp xây dựng quan hệ thầy, trò mới, dân chủ, lành mạnh, tạo dựng hình ảnh đẹp về người thầy./.

Ngay-nay